So sánh gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp

So sánh về tính năng của gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp

Gỗ tự nhiên

Gỗ tự nhiên là loại gỗ được khai thác từ các cây trồng lâu năm. Công đoạn phơi thoát nước và tẩm sấy khô là hai công đoạn cực kỳ quan trọng và cần thiết. Độ ổn định và liên kết của gỗ được quyết định bởi 2 công đoạn này. Gỗ tự nhiên được tẩm sấy kỹ càng, tính chất sinh học của gỗ sẽ thay đổi, gỗ sẽ tăng độ dẻo dai, chắc chắn, khả năng chịu va đập cao, có thể uốn nắn, tạo hình dễ dàng bằng hơi nước.

Gỗ tự nhiên có giá trị thẩm mỹ cao, hợp với quan niệm về cái đẹp cũng như nét văn hóa của người Việt. Nội thất gỗ tự nhiên không kén màu sắc không gian, gỗ có thể kết hợp linh hoạt với các loại vật liệu thô sần, bóng mịn,… Gỗ tự nhiên là sự lựa chọn hoàn hảo cho nhiều kiểu phong cách thiết kế từ hiện đại, tân cổ điển cho đến phong cách Á Đông truyền thống.

Với điều kiện khí hậu nóng ẩm, hanh khô như Việt Nam, khả năng co giãn của các sản phẩm nội thất gỗ rất được chú ý. Gỗ tự nhiên có thể bị mối mọt tấn công, bị nứt, mục nát theo thời gian. Nếu gỗ không được tẩm sấy kỹ, gia công không tốt sẽ khiến gỗ bị nhanh chóng xuống cấp. Vì vậy, khi quyết định sử dụng gỗ tự nhiên, bạn phải hiểu rõ về các thuộc tính của từng loại gỗ.

Những loại gỗ có tính mềm thường dùng để làm đồ gia dụng, như: bàn ghế, kệ tivi, giường ngủ,… Gỗ tự nhiên có độ cứng cao, có thể lựa chọn làm cầu thang, sàn nhà, những nơi cần khả năng chịu lực cao. Hay những loại gỗ có khả năng chịu nước cao nên ưu tiên sử dụng trong môi trường tiếp xúc thường xuyên với nước như tủ bếp, tủ phòng vệ sinh,….

Một số bàn ghế đưọc làm từ gỗ tự nhiên

Gỗ công nghiệp

Nguồn gỗ tự nhiên không phải là vô tận, trước tình trạng gỗ tự nhiên đang dần cạn kiệt, gỗ công nghiệp  ra đời là giải pháp hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu sử dụng nội thất gỗ của cuộc sống hiện đại. Với chủng loại phong phú, màu sắc đẹp, đa dạng, độ bền cao, gỗ công nghiệp là vật liệu được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay trong thiết kế nội thất hiện đại.

Các loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay: Gỗ ván sợi – MDF, HDF; gỗ ván dăm MFC; ván ghép thanh; ván ép tổng hợp;…

Các loại gỗ công nghiệp được sử dụng để sản xuất nội thất cao cấp hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là các loại gỗ công nghiệp nhập Malaysia, Indonesia, Đức, Thái Lan, Trung Quốc… Do các loại gỗ ép công nghiệp nội địa còn nhiều nhược điểm chưa được khắc phục, như: khả năng chịu nước kém, hay bị mối mọt, nứt tách, chứa nhiều chất độc hại, nên sản phẩm rất ít được lựa chọn.

So sánh ưu nhược điểm gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp

Nội thất gỗ tự nhiên

Ưu điểm

  • Độ bền cao: Những loại gỗ tự nhiên quý, cao cấp như: Óc chó, Pơ-mu, Giáng Hương, Gụ, Sồi, Trắc,… có độ bền cao, được xem là những vật liệu có giá trị sử dụng thách thức thời gian.
  • Tính thẩm mỹ cao: Sản phẩm nội thất có vẻ đẹp tự nhiên, hệ thống vân gỗ hấp dẫn với những nét đặc trưng riêng của từng loại gỗ. Giống như vân tay của con người, không có bất cứ loại gỗ nào có vân giống nhau, vì vậy, nó được dùng làm tiêu chí để nhận diện loại gỗ.
  • Khả năng chịu nước tốt: Gỗ tự nhiên được tẩm sấy kỹ, không hở mộng, đảm bảo độ bền cao ngay cả khi tiếp xúc với nước.
  • Sản phẩm có độ chắc chắn: Như đã phân tích ở phần đặc điểm của gỗ tự nhiên, thì sự chắc chắn của gỗ rất cao, hơn hơn nhiều so với gỗ công nghiệp.
  • Dễ chạm khắc: Với gỗ tự nhiên, thợ thủ công có thể dễ dàng chạm khắc những họa tiết, hoa văn cầu kỳ, phức tạp, mang đến cho khách hàng những sản phẩm nội thất đẹp, sang trọng và đẳng cấp.
mau-ban-an-go-nguyen-khoi

Nhược điểm

  • Giá thành cao: Nguồn gỗ tự nhiên đang ngày càng khan hiếm, vì vậy giá thành gỗ cao hơn nhiều so với gỗ công nghiệp, đặc biệt là nội thất bằng gỗ óc chó cao cấp, gỗ hương, gỗ gụ,…. Gỗ tự nhiên không thể sản xuất hàng loạt giống như các sản phẩm gỗ công nghiệp nên chi phí gia công, chế tác cao.
  • Sản phẩm bị cong vênh, co ngót: Gỗ tự nhiên đòi hỏi cao về quy trình tẩm sấy và gia công để đảm bảo tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn, không bị cong vênh, co ngót khi sử dụng. Lý do sản phẩm nội thất gỗ tự nhiên bị co ngót, cong vênh là do kỹ thuật ghép mộng không đúng, kích thước không hợp lý, các chi tiết không được trau chuốt,…

Nội thất gỗ công nghiệp

Ưu điểm

  • Giá thành thấp: Nếu giá thành là hạn chế lớn của gỗ tự nhiên thì đây lại là yếu tố tạo nên thế mạnh của các sản phẩm nội thất gỗ công nghiệp. Nguồn nguyên liệu có sẵn, giá rẻ, chi phí nhân công thấp, có thể sản xuất hàng loạt, nên giá thành khá rẻ.
  • Độ ổn định cao: Gỗ công nghiệp có thể khắc phục ưu điểm của gỗ tự nhiên, khả năng chống cong vênh, co ngót cao.
  • Thời gian thi công nhanh: Gỗ công nghiệp được sử dụng nhiều trong các công trình nội thất phong cách hiện đại, thiết kế đơn giản. Gỗ công nghiệp có phôi gỗ được sản xuất sẵn theo dạng tấm. Khi gia công, thợ thủ công chỉ cần cắt, ghép, dán,… tiết kiệm được rất nhiều công đoạn so với gỗ tự nhiên như: xẻ gỗ, tẩm sấy, bào, gia công bề mặt,…
  • Chất lượng tốt: So sánh độ bền giữa gỗ công nghiệp với gỗ tự nhiên, nhưng với mức giá thành thấp, khả năng ứng dụng cao, giá trị sử dụng tốt, chất lượng như vậy là khá cao. Tuổi thọ trung bình của các sản phẩm gỗ công nghiệp khoảng 7 – 15 năm, quãng thời gian này đủ để bạn lựa chọn thay đổi đồ nội thất khác.

Nhược điểm

  • Khả năng chịu nước kém: Gỗ công nghiệp nếu để lâu trong môi trường ẩm, nước, các liên kết keo sẽ bị bung, làm sản phẩm nhanh bị xuống cấp.
  • Không thể gia công họa tiết chạm trổ phức tạp: Do đặc điểm cơ lý của gỗ công nghiệp là ván ép ở áp suất cao, do đó các sản phẩm nội thất không thể gia công những chi tiết phức tạp, cầu kỳ.

Gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp, mỗi loại có đặc tính cũng như ưu – nhược điểm khác nhau. Tùy vào phong cách, nhu cầu sử dụng cũng như khả năng tài chính của từng người mà chúng ta sẽ lựa chọn gỗ công nghiệp hay gỗ tự nhiên để làm đồ nội thất.